Đăng Ký Học
Ngày 11/05/2021 15:48:51, lượt xem: 7179
Đề bài:
Phân tích người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Từ đó làm sáng tỏ giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Bài làm
Tôi đã từng được nghe lời nhận xét của nhà nghiên cứu người Nga Nikulin về Nguyễn Minh Châu rằng: “Các nhân vật của Nguyễn Minh Châu trước năm 1980 được Nguyễn Minh Châu tắm rửa sạch sẽ, được bao bọc trong bầu không khí vô trùng”. Thật dễ nhận ra điều đó ở nhân vật Nguyệt trong “Mảnh trăng cuối rừng” - một cô gái xinh đẹp, trẻ trung, vẻ đẹp của thế hệ trẻ kháng chiến chống Mĩ. Nhưng ở giai đoạn sau, Nguyễn Minh Châu tập trung bút lực để viết về đời sống thế sự, đời tư, những triết lí nhân sinh. Tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác ấy là tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, ta bắt gặp người đàn bà hàng chài. Một người đàn bà trong cuộc sống lao động đời thường ấy đã thể hiện được giá trị nhân đạo của một cây bút đi đầu trong quan niệm đổi mới, luôn “đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người”.
“Chiếc thuyền ngoài xa” được Nguyễn Minh Châu sáng tác trong giai đoạn hai vào năm 1983, khi cảm hứng sáng tác của nhà văn dần dần chuyển sang tính chất triết luận về những giá trị nhân bản đời thường, khám phá ý nghĩa bản chất con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. “Chiếc thuyền ngoài xa” được in lần đầu trong tập “Bến quê”, sau được tác giả lấy làm tên chung cho cả tập truyện ngắn từ truyện “Bức tranh” trở đi, in năm 1987.
Trước cách mạng, ta biết đến thị - người vợ nhặt của Kim Lân là một người phụ nữ với số không tròn trĩnh, không tên, không tuổi, không gia đình, quê hương bản quán. Thì sau cách mạng, một lần nữa ta gặp lại số không ấy trong trang viết của Nguyễn Minh Châu. Một người phụ nữ chỉ được gọi tên bằng chính nghề nghiệp của mình - “người đàn bà hàng hàng chài” không thì được gọi là “mụ”, rồi đến “chị ta”. Người đàn bà vô danh ấy trạc tuổi bốn mươi, một thân hình quen thuộc của người đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Khuôn mặt khó coi bởi những vết sẹo rỗ do bệnh đậu mùa từ ngày bé để lại không những thế trên khuôn mặt ấy còn lộ rõ sự mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ. Ở chị còn phơi lộ sự nghèo đói, nhếch nhác khi thấy tấm lưng áo bạc phếch, rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng. Có lẽ đây chính là chân dung của con người có một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ, sinh ra để gánh vác công việc, để chèo chống với phong ba! Chỉ vì xấu xí nên cơ hội hạnh phúc của chị cũng ít hơn những người khác, mặc dù gia đình khá giả, có nhà ở trên phố nhưng vì ngoại hình xấu xí nên không nên duyên với ai. Người đàn bà này lại có mang với một anh con trai nhà hàng chài hay đến nhà mua đồ về đan lưới nên họ đã trở thành vợ chồng. Trước đây chồng chị từng là một anh con trai “hiền lành nhưng cục tính” nhưng do gia hoàn cảnh gia đình nghèo khổ và thiếu thốn, nhà đông con lại sống trên một chiếc thuyền, miếng ăn phụ thuộc vào những ngày trời yên biển lặng có thể ra khơi đánh bắt, còn những ngày phong ba thì … cả nhà phải ăn xương rồng luộc chấm muối. Đã khiến anh trở thành một kẻ vũ phu. Chỉ còn biết đánh đập vợ để giải tỏa những bế tắc của cuộc sống, ba ngày hắn đánh chị một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng, cứ khi nào lão thấy khổ quá lại lôi vợ ra đánh, trút giận với những lời lẽ cay độc. Người đàn bà chỉ nhẫn nhịn chịu đựng “không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách chạy trốn”. Đúng, người đàn bà ấy tự lựa cho mình một số phận lam lũ, cùng cực. Những gì chị đang phải trải qua là những áp lực về cuộc sống vật chất cũng như áp lực về tinh thần sau những trận đòn roi. Hình ảnh người phụ nữ lam lũ, có cuộc đời cực nhọc bước ra từ trang sách Nguyễn Minh Châu, để lại trong lòng chúng ta nhiều nỗi thương xót.
Điều gì đã khiến người phụ nữ ấy làm như vậy? Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho chúng ta khi để người đàn bà ấy kể lại câu chuyện cuộc đời của mình nơi tòa án huyện. Người đọc không thể nào quên những hình ảnh một người phụ nữ miền biển mang trong mình nỗi đau khổ, sự nhẫn nhục của một cuộc đời lam lũ, vất vả đến cùng cực mà nhưng lại toát lên vẻ đẹp tiềm ẩn của con người dù sống trong tăm tối khó khăn. Đó là vẻ đẹp của tâm hồn, phẩm chất của người đàn bà hàng chài. Ẩn sau một số phận nghiệt ngã, những biểu hiện có phần nhu nhược, yếu đuối lại là một tấm lòng nhân hậu, đức hạnh, phẩm tiết bám sâu trong tâm hồn, tâm linh con người chị.
Đằng sau vẻ ngoại hình xấu xí, thô kệch lại là tấm lòng vị tha, độ lượng. Chị hiểu rõ vì mưu sinh, vất vả, cuộc sống ngày một khó khăn, nên đã khiến một anh chàng từ hiền lành, chẳng khi nào động chân động tay với vợ, nay thành kẻ vũ phu bạo hành. Chị hiểu và thông cảm cho nỗi khổ u uất trong lòng chồng và chị sẵn sàng chia sẻ nỗi khổ ấy bằng sự chịu đựng những trận đòn roi kì lạ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” cứ liên tiếp ngày qua ngày. Ấy vậy mà người đàn bà ấy, không một lời kêu than trách oán cũng chẳng chạy trốn, bỏ đi mỗi khi chồng bạo hành. Trái lại, chị còn tự nguyện lên bờ cho chồng đánh và chịu đựng những trận đòn như lửa cháy. Không chỉ thấu hiểu, thương xót cho nỗi khổ của chồng, chị luôn luôn tự cảm thấy mình có lỗi và có suy nghĩ mặc cảm: “giá tôi đẻ ít đi và tôi sắm được cái thuyền rộng hơn”. Vì cuộc sống của những đứa con, chị thà bị đánh chứ không chịu bỏ chồng. Chị đã từ chối lời đề nghị giải thoát khỏi lão chồng vũ phu với lí lẽ: “Đàn bà trên thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không phải sống cho mình như trên đất được”. Nếu nghệ sĩ Phùng nhìn người đàn ông dưới góc độ lí lịch, thành phần, chánh án Đẩu nhìn người đàn ông dưới góc độ pháp luật, thằng Phác nhìn người đàn ông dưới con mắt trẻ thơ thì chỉ duy nhất người phụ nữ - nạn nhân của bạo hành gia đình lại nhìn anh ta dưới con mắt thương cảm bởi chị hiểu lí do vì sao người chồng lại trở nên độc ác như vậy. Đó là vì cái đói cái nghèo, vì gánh nặng mưu sinh đã ghì con người ta xuống sát đất, biến đổi cả tâm tính con người. Trong khi mọi người nhìn người đàn ông như một ác nhân thì người phụ nữ nhìn anh ta như một nạn nhân.
Chị tuy thất học nhưng có cái nhìn sắc sảo, thấu hiểu lẽ đời, thấu tình đạt lí. Chị xuất hiện ở tòa án huyện trong tâm thế bị động, không tự nguyện và cũng không muốn viết đơn bỏ chồng. Khi mới bước chân đến tòa án, chị tỏ ra rất lúng túng và sợ sệt, xưng hô lễ phép “con” - “quý tòa” và nhìn xung quanh với ánh mắt lo sợ. Nhưng khi nghe lời khuyên và hiểu thiện chí của Đẩu, của Phùng, chị thay đổi thái độ: từ chối lời đề nghị giúp đỡ, đau đớn đánh đổi mọi giá để không phải bỏ chồng, đưa ra những lí do bằng việc kể lại câu chuyện về cuộc đời mình. Chị giúp Đẩu và Phùng nhận ra sự thiếu thực tế của họ: “Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn…cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của người làm ăn lam lũ, khó nhọc… Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông”. Hiểu được rằng Phùng và Đẩu muốn mình không còn phải chịu những trận đòn roi nữa, nhưng sự sâu sắc và thấu hiểu lẽ đời của chị đã lí giải cho họ: “Đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa”. Vậy nên nếu bỏ chồng, chị và các con không những mất đi chỗ dựa mà trong bão to, sóng dữ, thử hỏi nếu không có người đàn ông thì số phận chiếc thuyền ấy sẽ ra sao? Cuộc sống của người đàn bà hàng chài và những đứa con của chị sẽ ra làm sao? Tất cả những điều đó cho ta thấy ở người đàn bà hàng chài có sự sắc sảo, hiểu biết, thấu hiểu lẽ đời nhưng không bộc lộ, hiển hiện ở bên ngoài mà được cất giữ, giấu kín ở bên trong. Đây là người phụ nữ khiêm nhường, dù biết tất cả nhưng không chọn cách sống cho riêng mình.
Vượt lên trên sự cay đắng và cơ cực ấy, tình mẫu tử của chị tỏa sáng, đó chính là đức hi sinh cao thượng của thiên chức người mẹ. “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Với chị, “gánh lấy cái khổ vì con” là lẽ đương nhiên. Chị vất vả ngày đêm kéo lưới trên mặt biển đầy sóng gió hay chịu đựng trận đòn như cơm bữa của chồng là vì con, chị gồng mình để gánh chịu những đòn roi của chồng cũng bởi những đứa con. Chị hiểu hơn ai hết, một cuộc hôn nhân tan vỡ thì những đứa con luôn là người gánh chịu nỗi đau nhiều nhất, một gia đình hạnh phúc là gia đình còn có đầy đủ các thành viên dù đâu đó trong gia đình ấy vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Vì thương con và để tránh sự tổn thương cho con nên người đàn bà xin với chồng “đưa lên bờ mà đánh”. Rồi cũng lo trước sự phản ứng dữ dội của thằng Phác khi chứng kiến cảnh “bạo lực” đó, sợ nó làm điều gì dại dột đối với bố nó mà chị đành ngậm ngùi gửi đứa con yêu thương của mình lên rừng ở với ông ngoại. Hơn nữa người đàn bà còn muốn bảo vệ tâm hồn non trẻ của đứa con trước những tác động không tốt từ hoàn cảnh. Tình mẫu tử thiêng liêng, cao thượng ấy đã chắp cánh cho chị đưa đàn con bay vút lên trên sự cơ cực, đói kém, nhọc nhằn, lam lũ. Chị chắt chiu dành dụm những niềm vui nhỏ nhất: vui nhất là khi nhìn đàn con được ăn no, khi vợ chồng, con cái sống vui vẻ, hòa thuận. Tấm lòng của người mẹ ấy thật đáng trân trọng biết bao.
Qua những trang viết của Nguyễn Minh Châu, người đàn bà hàng chài là hiện thân của tình yêu thương, đức hi sinh, sự nhẫn nhục của người phụ nữ. Người đàn bà hàng chài thấp thoáng bóng dáng của người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh
“Nhẫn lại nuôi con, suốt đời im lặng
Biết hi sinh nên chẳng nhiều lời”
(Tố Hữu)
Bằng biện pháp đối lập giữa hoàn cảnh và tính cách, giữa ngoại hình và tâm hồn, Nguyễn Minh Châu đi sâu vào thế giới nội tâm phức tạp, đầy mâu thuẫn của con người. Qua người đàn bà ấy, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sâu sắc giá trị nhân đạo của tác phẩm. Trước tiên, Nguyễn Minh Châu cho chúng ta nhìn thấy những vấn đề nhức nhối của cuộc sống đương thời. Bề ngoài của cuộc sống tưởng như bình yên, lặng sóng nhưng ngầm sâu là nạn bạo hành gia đình, sự nghèo đói, thất học và cả sự tha hóa về nhân cách, … những ngang trái, nghịch lí của cuộc sống. Chính cuộc đời, số phận của người đàn bà ấy khiến chúng ta nhìn nhận rõ hơn về cuộc đời, không thể có cái nhìn dễ dãi, đơn giản, một chiều được mà phải có cái nhìn toàn diện, đa chiều. Đó còn là tiếng nói cảm thông thương xót cho những kiếp người lao động lam lũ vất vả, một cuộc đời luôn phải chống chọi với sóng gió không lúc nào ngơi nghỉ. Và tâm điểm của truyện, Nguyễn Minh Châu muốn đề cao và tôn vinh người phụ nữ và khẳng định sức sống bất diệt của vẻ đep tâm hồn - hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn.
Khép lại “Chiếc thuyền ngoài xa”, người phụ nữ ấy để lại trong tôi quá nhiều dư âm. Đó là nỗi khắc khoải về số phận và cuộc đời của một người đàn bà cực khổ, lam lũ, một cuộc đời thật mỏng manh, xa vời, chấp chới như “chiếc thuyền ngoài xa” không biết đâu là điểm đến, là bến bờ hạnh phúc. Nhưng cũng chính từ cuộc đời ấy ta thấy được tấm lòng nhân hậu của một cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Đó không chỉ niềm cảm thương, xót xa cho số phận con người bị đánh đập, đói nghèo mà còn thể hiện niềm tự hào, trân trọng vì những vẻ đẹp tâm hồn không gì có thể làm vấy bùn. Tôi tin chắc những trang viết của Nguyễn Minh Châu dù cho lớp bụi thời gian có phủ kín, giăng đầy như thế nào thì “hạt ngọc” trong đó vẫn ngời sáng, lấp lánh - một thứ ánh sáng mê hoặc biết bao thế hệ độc giả.
Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN của Học Văn chị Hiên nhé!
ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan